Triển lãm với 3 chủ điểm:
- Hiệp định Paris về Việt Nam – cánh cửa đến hòa bình.
- Diễn trình lịch sử công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong đại thắng mùa Xuân năm 1975.
- Non sông liền một dải, niềm hân hoan của dân tộc khi giành được độc lập tự do.
Triển lãm với trên 200 đơn vị tài liệu, bao gồm gần 450 trang văn bản, bản đồ, hình ảnh sẽ được giới thiệu đến công chúng bằng cả 2 hình thức trưng bày:
– Trưng bày tài liệu lịch sử trong không gian thật tại 2 Ter Lê Duẩn
– Trưng bày phiên bản thực tế ảo của Triển lãm, tại website http://www.nac2.gov.vn/
Thông qua đó, giới thiệu một điểm đến nghiên cứu, không giới hạn cho người dân cả trong và ngoài nước, nơi cung cấp tư liệu tham khảo dành cho mọi đối tượng quan tâm đến di sản văn hóa lịch sử của Việt Nam.
Bằng 2 cách thức kết hợp, Triển lãm tạo thêm một bước tiến, góp phần mở rộng khả năng tiếp cận những trang sử hào hùng của dân tộc, nhắc nhớ tinh thần quật cường đoàn kết chống giặc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975.
Tài liệu, hình ảnh tham gia triển lãm được bố cục theo diễn trình lịch sử với 3 chủ điểm gắn liền những mốc lịch sử quan trọng của đất nước giai đoạn 1973-1976. Cụ thể:
- Hiệp định Paris về Việt Nam – cánh cửa đến hòa bình, triển lãm giới thiệu 19 tài liệu, hình ảnh quý từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia II, Thông tấn xã Việt Nam. Trong đó, có nhiều tài liệu được chính quyền Sài Gòn xếp vào loại mật và tối mật, thông qua triển lãm này lần đầu được công bố rộng rãi.
- Diễn trình lịch sử công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trong đại thắng mùa Xuân năm 1975. Thời điểm cả dân tộc bừng lên khí thế “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng”, làm nên những chiến công hiển hách, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Điện mật ngày 7-4-1975 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa” tiến lên giải phóng miền Nam
Nội dung này được thể hiện qua 133 đơn vị tài liệu, gồm văn bản, hình ảnh, bản đồ đang được lưu giữ tại lưu trữ quốc gia Việt Nam, lưu trữ quốc gia Hoa Kỳ, Thông tấn xã Việt Nam, các bảo tàng, phóng viên nhiếp ảnh…
Tài liệu được sắp xếp theo trình tự diễn tiến các chiến dịch lớn của quân và dân Việt Nam trong tiến trình làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Cụ thể:
- Phước Long – nơi mở đầu mùa Xuân đại thắng
Quân giải phóng tiến công dinh Tỉnh trưởng Phước Long ngày 06-01-1975
Quang cảnh một góc thị xã Phước Long sau ngày giải phóng
- Chiến dịch Tây nguyên mở đầu tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975
Sơ đồ diễn biến chiến dịch Tây Nguyên
Già làng A Mip ở ấp Plei Phien, Pleiku vui mừng ôm chiến sĩ Quân giải phóng
- Chiến dịch Huế – Đà Nẵng giải phóng hoàn toàn duyên hải miền Trung
Chỉ thị viết tay ngày 01-04-1975 của Nguyễn Văn Thiệu lưu ý Thủ tướng thi hành các biện pháp ổn định tình hình sau những thất bại liên tiếp của quân đội Sài Gòn
Quân đội Sài Gòn tháo chạy khỏi mặt trận Kontum – Pleiku
- Đập tan phòng tuyến Phan Rang – Xuân Lộc, tiến về Sài Gòn
- Chiến dịch Hồ Chí Minh – trận quyết chiến đập tan đầu não chính quyền Sài Gòn, hoàn thành giải phóng miền Nam
Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ họp thảo luận về tình hình Việt Nam ngày 28-04-1975
Điện báo cuối cùng của Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn gửi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 29-04-1975
Đan xen trong từng bước tiến “thần tốc, thần tốc hơn nữa” của quân dân Việt Nam là phản ứng, hành động của Hoa Kỳ và chính quyền Thiệu được thể hiện qua chính những tài liệu, hình ảnh của các cơ quan trung ương chính quyền Sài Gòn và Hoa Kỳ tại thời khắc sự kiện lịch sử diễn ra.
- Non sông liền một dải, giới thiệu hơn 50 hình ảnh về niềm hân hoan của nhân dân khi đã đập tan xiềng xích nô lệ và ách xâm lược thực dân, đế quốc, hồ hởi đón mừng đại thắng mùa Xuân năm 1975; công cuộc Hiệp thương chính trị, tiến tới bầu cử Quốc hội, thực hiện thống nhất nước nhà sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Triển lãm là một hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-04-1975 – 30-04-2020) và hướng tới chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng, Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp. Đồng thời, cũng kỳ vọng sẽ góp phần gắn kết các thế hệ qua những câu chuyện lịch sử để thúc đẩy tinh thần hào hùng, bất khuất của dân tộc ta, tiếp thêm sức mạnh trong không khí toàn quốc đồng lòng vượt khó, chống dịch.
Bên cạnh đó, triển lãm cũng cho thấy giá trị tài liệu lưu trữ cần gìn giữ phát huy trong công cuộc học tập, xây dựng và phát triển Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hình ảnh tại buổi họp báo:
Những tư liệu ảnh quý tại triển lãm:
Khách mời tham qua khu triễn lãm:
Bên trong khu lưu trữ quốc gia:
Hình ảnh thực tế ảo:
Photo: Lữ Đắc Long