Hôn nhân cùng giới giải quyết những khó khăn khi chung sống, bao gồm khó khăn trong quan hệ về tài sản và các thủ tục pháp lý.
Các đại sứ ủng hộ và lan tỏa thông điệp ủng hộ hôn nhân không khuôn mẫu |
Chiến dịch Tôi Đồng Ý khép lại vào năm 2013 khi Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 được thông qua. Ngày 10/08/2022, chiến dịch Tôi Đồng Ý do Viện Nghiên cứu Xã hội Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng Trung tâm ICS – Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBTI+ (người đồng tính, song tính, chuyển giới…) được tái khởi động với buổi hội ngộ mang chủ đề “Hôn nhân không khuôn mẫu”.
Đây cũng là chiến dịch mở đầu cho Tôi Đồng Ý giai đoạn 2022-2024, nhằm khơi gợi các thảo luận về hôn nhân cùng giới trong xã hội, tạo tiền đề cho các thảo luận về sửa đổi luật pháp trong tương lai.
Nhiều năm trước, từng tham gia giúp đỡ các trẻ em bị nhiễm HIV, NSND Kim Xuân làm quen được nhiều người LGBTI+ và hiểu hơn về cộng đồng này. Xung quanh NSND Kim Xuân cũng có rất nhiều đồng nghiệp, bạn bè là người trong cộng đồng và có đóng góp rất lớn cho xã hội.
Trước sự e dè rằng “tình yêu của cộng đồng này có quá mong manh, mau tan vỡ dẫn đến hôn nhân không bền vững” hay “họ đã hạnh phúc rồi thì có cần thiết phải hợp pháp hóa hôn nhân hay không”, NSND khẳng định: “Tình yêu thì không phân biệt giới tính. Đã là hạnh phúc thực sự thì không tính ngắn dài”.
NSND Kim Xuân ký tên ủng hộ hôn nhân đồng giới |
Diễn viên Ngọc Lan kể một kỷ niệm khiến chị bối rối khi đứa con 5 tuổi đi học về chợt hỏi: “Mẹ ơi! Màu đỏ là pê-đê phải không mẹ?”. Chị chưa có nhiều kinh nghiệm để dạy con và để đồng hành trong tình huống này. Tuy nhiên chị cũng uốn nắn con về cách gọi và dặn con: “Cái gì tốt thì mình cứ làm, nếu người bạn “thích màu đỏ” ấy tốt thì mình cứ chơi, không phân biệt”.
Diễn viên Ngọc Lan luôn tâm huyết với chiến dịch Tôi Đồng Ý |
Ca sĩ Phương Vy mang theo câu nói của cha rằng “con làm gì cũng được, miễn không hại ai mà con vui, hạnh phúc là được rồi” để chị luôn có cái nhìn yêu thương và thấu hiểu đối với cộng đồng thiểu số tính dục.
Bà Nguyễn Lang Mộng, trưởng nhóm PFLAG Sài Gòn (Hội Cha mẹ và người thân của người LGBTI+) không cầm được nước mắt khi kể những áp lực nặng nề của gia đình, dòng họ, hàng xóm, đồng nghiệp đối với người LGBT… khiến họ bị bạo hành, xa rời vòng tay gia đình, thậm chí có trường hợp giã từ cuộc sống. Bà cho rằng hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới sẽ cho xã hội cái nhìn khoan dung hơn về gia đình của người LGBT, từ đó giải tỏa được áp lực và nỗi lo lắng của nhiều cha mẹ VN.
Bà Nguyễn Lang Mộng luôn nỗ lực bảo vệ quyền của người LGBTI+ |
Kết quả nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược VN (VESS) và Viện iSEE năm 2022 chỉ ra rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới có thể mang lại cho VN từ 1,65% đến 4,36% gia tăng trong GDP mỗi năm do kết quả của việc tăng năng suất lao động và tạo ra môi trường làm việc dung nạp, hòa nhập hơn. Hôn nhân của các cặp đôi cùng giới được công nhận và bảo hộ sẽ giúp cho việc giải quyết những khó khăn khi chung sống, bao gồm khó khăn trong quan hệ về tài sản và các thủ tục pháp lý: đại diện nhau trong các tình huống y tế khẩn cấp, về sinh con, nhận con nuôi…