Sở Giao thông vận tải và Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh đã kết hợp cùng Mastercard và trung gian thanh toán OneFin, đưa công nghệ thanh toán không tiếp xúc qua chip EMV vào thí điểm tại hệ thống giao thông công cộng. Việc làm này không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc nâng cao trải nghiệm đi lại cho người dân mà còn là sự khuyến khích các Doanh nghiệp, tổ chức tài chính, công nghệ cùng vào cuộc, góp sức mang đến giải pháp thanh toán tối ưu, tinh gọn, nối liền thành phố Hồ Chí Minh trong một chạm.
Thêm một giải pháp thanh toán không chạm cho người tham gia giao thông công cộng
Sáng ngày 17/5/2024, Sở Giao thông vận tải và Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh đã kết hợp cùng Mastercard và trung gian thanh toán OneFin tổ chức lễ công bố và ra mắt mô hình thanh toán giao thông mở theo công nghệ không tiếp xúc EMV trên ví. Công nghệ được thí điểm tại các tuyến xe bus Bảo Yến số 01, 43 và 65.
Lễ công bố và ra mắt thí điểm mô hình thanh toán giao thông mở theo công nghệ không tiếp xúc EMV trên ví tại TP. HCM vào ngày 17/5 vừa qua (Nguồn: Mastercard)
Thanh toán không chạm đang ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam, từ việc quét mã QR đến sử dụng NFC, ví điện tử,… mỗi phương thức đều đáp ứng nhu cầu thanh toán nhanh chóng, tiện lợi của người dùng. Với những tiềm năng và lợi ích mà thanh toán không chạm mang lại, không khó để thấy rằng đây sẽ là xu hướng thanh toán chính trong tương lai.
Song, để đạt mục tiêu thành phố không tiền mặt, các giải pháp thanh toán cần mang đến một trải nghiệm mua sắm liền mạch, tinh gọn, xuyên suốt và dễ dàng quản lý cho người dân. Bằng việc ứng dụng công nghệ chấp nhận thanh toán EMV vào hệ thống giao thông công cộng, người dân có thể tích hợp thanh toán xuyên suốt từ giao thông – trường học – mua sắm – tiêu dùng hay mọi dịch vụ mua sắm khác chỉ với 1 chiếc thẻ ngân hàng(1) duy nhất.
Tích hợp công nghệ chấp nhận thanh toán EMV vào hệ thống giao thông công cộng giúp người dân thanh toán xuyên suốt giao thông – trường học – mua sắm – tiêu dùng chỉ với 1 chiếc thẻ ngân hàng duy nhất. (Nguồn: PV)
TP. Hồ Chí Minh tăng tốc mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán EMV
Thực tế việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip EMV tại Việt Nam đã hoàn tất. Nên việc ứng dụng giải pháp thanh toán không tiếp xúc qua thẻ gắn chip EMV vào dịch vụ giao thông công cộng cho phép người dân có thể thanh toán nhanh chóng, dễ dàng chỉ bằng vài thao tác chạm đơn giản với thẻ ngân hàng (1) của chính mình mà không cần mua thêm vé giấy, vé tháng hay thẻ lên tàu, xe,…. Việc nâng cao nền tảng thanh toán không tiếp xúc theo công nghệ EMV là điều thiết yếu để thích ứng ứng kịp thời với xu thế thanh toán chung và tối ưu hóa lợi ích cho người dùng.
Việt Nam đã hoàn tất việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, nên việc trang bị nền tảng thanh toán theo công nghệ EMV là điều tất yếu để tối ưu hóa lợi ích người dùng (Nguồn: Internet)
Công nghệ thanh toán không tiếp xúc bằng thẻ chip EMV đã được hơn 40 ngân hàng chấp thuận, phủ rộng hơn 10.000 điểm thanh toán trên cả nước, áp dụng với đa dạng thẻ: thẻ nội địa NAPAS, thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ prepaid, các ví sử dụng công nghệ EMV Contactless trong và ngoài nước. Chấp nhận thanh toán xe bus bằng công nghệ EMV contactless, TP. Hồ Chí Minh đã góp phần thúc đẩy mở rộng nhanh chóng mạng lưới chấp thanh toán EMV tại Việt Nam với chi phí tối ưu, an toàn và mang lại nhiều trải nghiệm mới cho người dùng.
Cần nhiều hơn sự nỗ lực từ các doanh nghiệp để hướng tới Thành phố không tiền mặt
Hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, nổi bật từ giai đoạn 2021-2024, Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu đẩy mạnh triển khai các dự án thí điểm ứng dụng công nghệ vào nhiều lĩnh vực. Đặc biệt không thể không nhắc đến tầm nhìn chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông khi nhiều nhà xe đã thực hiện ứng dụng thanh toán thông minh, thanh toán không chạm qua QR code, chuyển khoản, ví điện tử,…
Tuy nhiên, truyền thông thay đổi hành vi là cả một quá trình, cần phối hợp tuyên truyền giữa khối doanh nghiệp và Nhà nước để nâng cao nhận thức và chuyển đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dân. Song song với đó, là sự nỗ lực tham gia cải tiến sản phẩm của các Doanh nghiệp tài chính, tín dụng, công nghệ để giúp người dân bất kỳ ngành nghề, độ tuổi đều có thể tiếp cận và sử dụng các giải pháp thanh toán mới. Sự cạnh tranh lành mạnh trong giai đoạn chuyển giao nhắm phá băng thị trường là điều hoàn toàn cần thiết để toàn thành phố cùng nhau hướng tới mục tiêu trở thành Thành phố thông minh, thanh toán không tiền mặt.
Cần Nhà nước và Doanh nghiệp cùng tham gia, vào cuộc để nâng cao nhận thức của người dân, cải tiến sản phẩm để mang đến những giải pháp thanh toán tối ưu nhất. (Nguồn: PV)
Việc đưa công nghệ thanh toán Open-loop thông qua chip EMV tiên tiến trên Thế giới vào thí điểm tại hệ thống giao thông công cộng là minh chứng rõ nét nhất cho thấy sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Sở Giao thông vận tải và Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Thành phố Hồ Chí Minh trong việc cam kết nâng cao trải nghiệm đi lại, tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp cùng đồng hành, tham gia cung cấp giải pháp thanh toán thông minh cho người dân. Hy vọng đây sẽ là nền tảng vững chắc, khuyến khích các Doanh nghiệp, tổ chức tài chính tín dụng, tài chính công nghệ cùng tham gia góp sức, giữ một nhịp mua sắm đơn giản, linh gọn, liền mạch, nối liền thành phố Hồ Chí Minh trong một chạm.
- Về ví OneFin: Đây là ví được triển khai theo mô hình EMV không tiếp xúc trên Cổng lần đầu tiên ở Việt Nam. Theo đó dữ liệu thanh toán của người dùng được hoàn toàn mã hóa khi thực hiện giao dịch. Ngoài việc nâng cao tính bảo mật trong giao dịch không tiếp xúc, công nghệ này mang lại nhiều trải nghiệm mới cho người dùng với chi phí tối ưu. Ngoài việc thanh toán trong giao thông, người dùng còn có thể sử dụng ở các lĩnh vực khác như: thanh toán hóa đơn, học phí, mua sắm,… bằng chính thẻ ngân hàng của mình.
- Về công nghệ chấp nhận thanh toán EMV Contactless trên nền tảng Cổng thanh toán MPGS của Mastercard: Việc ứng dụng mô hình này trong xử lý giao dịch mang lại cho doanh nghiệp trong lĩnh vực Ví, Trung gian thanh toán, Fintech,… sự đa dạng hóa về kênh chấp nhận thanh toán từ thương mại điện tử (E-commerce) sang thanh toán trực tiếp (Face-to-face).