Ông sinh ra trong một gia đình giàu có ở Sài Gòn vào giữa thế kỷ 20, được nuôi dạy chu đáo với kỳ vọng sẽ trở thành một thương gia nối nghiệp gia đình. Tuy nhiên, năm 14 tuổi, ông đã tham gia phong trào đấu tranh yêu nước, và sau này trở thành cơ sở của Ban Binh vận Trung ương cục miền Nam; sau đó năm 17 tuổi, ông tiếp tục thanh gia nhóm “Vững niềm tin” của Chi đoàn trường Pétrus Ký thuộc Thành Đoàn Sài Gòn Chợ Lớn Gia Định.
Trước đó, năm 13 tuổi, ông đã thi đỗ vào ngôi trường dành cho những tài năng của Sài Gòn bấy giờ, là trường Trung học Pétrus Ký, thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, Hán văn và cũng là nhà thơ trẻ được biết đến với bút danh Thanh Phong.
Vừa học, hoạt động cách mạng, Nguyễn Hữu Nhơn vừa chăm chỉ kinh doanh lương thực, thực phẩm. Năm 21 tuổi, ông là một doanh nhân thành đạt và 25 tuổi ông đã sở hữu 1 ngôi Biệt thự ở quận 9 (nay là quận 2) và 3 chiếc xe hơi hiệu Renaul (của Pháp), Vauxall (của Anh) và Honda (của Nhật).
Sau ngày 30/4/1975, khi Cách mạng thành công, thống nhất đất nước, Nguyễn Hữu Nhơn tiếp tục tham gia phong trào An ninh tổ quốc, đã dũng cảm nhiều lần tay không bắt cướp tại phường 16, quận 1, TP. HCM, được Công an TP. HCM đưa vào Bản tin (lúc ấy, Báo Công an TP. HCM chưa thành lập) và Truyền hình TP. HCM (HTV) đưa tin vào tháng 9/1997; lúc bấy giờ ông đang là Cán bộ của Sở Vật tư TP. HCM (sau này là Công ty Vật tư tổng hợp TP. HCM). Sau đó, ông được phân công giữ các vị trí quản lý cải tạo Công Thương nghiệp, Đoàn làm phim trong và nước ngoài thuộc Liên Hiệp các Xí nghiệp Điện ảnh & Băng từ TP. HCM, Trưởng trạm kinh doanh XNK (BADACO), Phó Tổng Giám đốc Fookming Joint Venture Company LTD, Giám đốc Festival Inco Restaurant Hotel thuộc INCOMEX SAIGON (Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), Đại biểu Hội đồng Nhân dân quận 1, Trưởng phòng Công tác Nhân đạo (Viện Đào tạo Phát triển Giáo dục và Hợp tác Quốc tế), Trưởng phòng Tư vấn Giáo dục Chi nhánh Trung tâm Phát triển Giáo dục Thường xuyên tại TP. HCM, v.v… .
Tất nhiên, cùng với công việc, Nguyễn Hữu Nhơn đã liên tục nâng cao trình độ kiến thức, tốt nghiệp Đại học và Cao học khoa Kinh tế Chính trị của trường Đại học Tổng hợp TP. HCM, và Cao học Khoa học Giáo dục Trường Đại học Vinh.
Ngôi sao sáng trong hoạt động từ thiện
Từ nhỏ, Nguyễn Hữu Nhơn đã thường xuyên theo cha vào chùa, thường xuyên có mặt tại Nam- Thành Thánh thất để dọng Đại hồng chung nhờ tiếng ngân vang đó mà ông được sáng suốt, dung nạp nhiều kiến thức tốt đẹp, những tư tưởng thanh cao, thâm túy với tấm lòng thương người như thể thương thân từ ông nội, rồi đến cha đều là thầy thuốc Đông y. Vì vậy, mà ngay từ nhỏ, ông đã ấp ủ dự định về một phòng khám từ thiện chữa bệnh cho người nghèo. Bằng tình thương và sự giúp đỡ của bạn bè, những người hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ, năm 1993, phòng khám từ thiện Nam -Thành Thánh thất – một địa chỉ chữa bệnh cho người nghèo – đã ra đời tại số 126 Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP. HCM.
“Nhiều bệnh nhân lâm trọng bệnh, tưởng chừng không qua khỏi, lại không đủ tiền đến bệnh viện đã đến đây và được chúng tôi nhiệt tình chữa trị, phục hồi sức khoẻ để trở lại cuộc sống thường nhật. Mỗi lần làm được việc có nghĩa như vậy, chúng tôi vui lắm!”.
Không những thế, từ hơn 25 năm qua, phòng khám từ thiện Nam-Thành Thánh thất còn kết hợp với Hội Chữ thập đỏ 4 cấp (TW, TP. HCM, quận 1 và phường Nguyễn Cư Trinh) đến vùng sâu, vùng xa để tặng quà, khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật cơ nhỡ, xây nhà tình thương, tặng học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó trong nước và Nhật Bản … với số tiền lên tới nhiều tỷ đồng.
Danh tiếng của Phòng khám từ thiện Nam-Thành Thánh thất gắn liền với tên tuổi của ông với vị trí Trưởng ban Điều hành, mà mọi người trìu mến đặt cho biệt danh là “Ngôi sao sáng” của ngành Chữ Thập đỏ TP. HCM lần 2 (năm 2014 -2017), được UBND TP. HCM tặng Bằng khen về “Thành tích xuất sắc trong công tác Xã hội Nhân đạo, góp phần tích cực trong phong trào thi đua của thành phố”. Bên cạnh đó, là rất nhiều những phần thưởng cao quý khác ghi nhận về những đóng góp to lớn trong công tác nhân đạo, giúp đời của ông như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, kỷ niệm chương của TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; các bằng khen của TW Hội khuyến học Việt Nam, Liên hiệp các Hội Unesco Việt Nam, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tây bắc… ; 3 bằng khen về “Thành tích xuất sắc trong công tác Xã hội Nhân đạo” của UBND TP. HCM (1996, 2013, 2017). Nhiều năm liền, ông nhận được biểu dương “Người tốt – việc tốt” và giấy khen, thư tri ân của TW. UBMTTQ Việt Nam các cấp, TW. Hội Nạn nhân Chất độc da cam, TW. Hội các Mẹ Việt Nam và TW. Hội Người Cao tuổi Việt Nam, V.v… trao tặng mà không làm sao kể hết.
Cho đi nhiều như thế nhưng cuộc sống riêng tư của mình, ông chọn cách sống thanh đạm, giản dị trong sinh hoạt, chắt chịu trong chi tiêu gia đình để có thể có được nhiều tiền hơn cho các hoạt động trợ giúp người khuyết tật, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, đặc biệt là tặng học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo…
Không chỉ có thế, thạc sĩ Nguyễn Hữu Nhơn còn là Cố vấn Văn hóa Xã hội Trung tâm UNESCO – Văn hóa và Thông tin Truyền thông, Cố vấn Đoàn thầy thuốc tình nguyện của Hội Chữ thập đỏ TP. HCM, Trưởng Ban Cố vấn Công tác xã hội Tạp chí Truyền thống và Phát triển (VPPN), Hội đồng Cố vấn: TW. Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng tại TP. HCM và các tổ chức ban ngành y tế, mà đặc biệt hiện nay là Trưởng ban Cố vấn TW. Hội Khuyến học Việt Nam (VPPN).
Box:
Trong cuộc đời bôn ba gần ba phần tư thế kỷ, thạc sĩ Nguyễn Hữu Nhơn đã gặt hái nhiều thành tích đáng tự hào, mà bản thân ông luôn hài lòng và tâm đắc: Đầu tiên là việc Sáng lập và Điều hành Phòng khám bệnh Nhân Đạo hoạt động 28 năm qua để phụng sự An sinh Xã hội; thứ hai là việc ông tự Thiết kế, Tổ chức, Đầu tư Tài chính và Xây dựng mới một Ngôi Di tích Lịch sử Đầu tiên của Đạo Cao Đài – một Đạo chánh pháp của người Việt Nam tại một quận lớn nhất nước (Quận 1, TP. HCM), đến nay Thánh thất đã hoàn thành Công trình để lưu truyền sử sách. Điều làm “ông trẻ” với tuổi đời “thất thập cổ lai hy” xúc động khi bản thân có khoảng hơn 100 người con nuôi là sinh viên có trình độ từ cao đẳng, đại học, cao học, thậm chí là tiến sĩ; còn điều đặc biệt khiến ông toại nguyện là đã Đầu tư Thành lập một nhà hàng chay. Tuy nhiên, một điều mà ông còn tiếc nuối là chưa có được hậu duệ Trung thành, Trí tuệ và Đạo đức để được ông trao truyền Kiến thức và Kinh nghiệm sống về nhiều phương diện, “nếu có thì mình và các em cháu không được hữu duyên gắn bó lâu dài”, ông tâm sự.